Những năm gần đây, sự ô nhiễm môi trường sống, mất cân bằng dinh dưỡng, tình trạng dùng thuốc, hóa chất, mỹ phẩm bừa bãi… đã khiến các ca dị ứng mắt ngày càng tăng nhanh.
Khi bị dị ứng, mắt của bạn trở nên nhạy cảm quá mức với một số chất mặc dù có thể những chất đó không phải là tác nhân độc hại. Lúc đó, mắt trở nên ngứa đổ, sợ sáng hoặc có cảm giác có vật lạ ở trong… Đây là triệu chứng thường gặp ở nhiều người, bệnh không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe đôi mắt sau này.
Nguyên nhân của bệnh dị ứng mắt
Dị ứng mắt là căn bệnh thường gặp trong đời sống hằng ngày. Dị ứng mắt do gặp phải một phản ứng miễn dịch bất lợi với một dị nguyên nhất định. Hầu hết các phản ứng được kích hoạt bởi chất gây dị ứng có trong môi trường sống như phấn hoa, khói bụi, nấm mốc, lông thú…
Dị ứng mắt có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, căn bệnh đặc biệt phổ biến vào mùa xuân, hè và thu khi cây, cỏ và hoa lá nở rộ. Phản ứng dị ứng mắt thường xảy ra với những người nhạy cảm tiếp xúc với dị nguyên. Dị ứng thức ăn cũng có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng dị ứng ở mắt.
Triệu chứng thường gặp khi dị ứng mắt
Dị ứng mắt có triệu chứng khá rõ ràng so với các bệnh khác về mắt. Những triệu chứng phổ biến như mắt ngứa hoặc bỏng rát, chảy nước mắt, mắt đỏ, gỉ xung quanh mắt, mí mắt sưng tấy hoặc sưng húp…
Tình trạng này có thể xảy ra ở cả một hoặc hai mắt. Trong một số trường hợp, các triệu chứng này có thể kèm theo sổ mũi, nghẹt mũi hoặc hắt hơi. Vì thế, khi gặp các triệu chứng trên, hãy nghĩ ngay đến bệnh dị ứng mắt để tham khảo ý kiến của bác sĩ, giúp việc điều trị kịp thời và hiệu quả.
Phấn hoa, khói, bụi, nấm mốc… là những tác nhân gây dị ứng mắt.
Các tổn thương do dị ứng mắt thường gặp
Viêm kết mạc dị ứng: Là bệnh thường gặp nhất. Các triệu chứng chủ yếu là ngứa mắt, chảy nước mắt, tăng tiết gỉ mắt với các đặc điểm: màu trong, dai dính, lỏng như nước cháo, đôi khi đặc quánh; Nặng hơn thì phù nề, co quắp mi, sợ ánh sáng.
Viêm giác mạc: Do là một tổ chức vô mạch, được nuôi dưỡng nhờ oxy và thẩm thấu nên các biểu hiện dị ứng có vẻ âm thầm và hiếm gặp hơn. Các viêm nhiễm của giác mạc thường do dị ứng với những yếu tố nội sinh như: viêm giác mạc kẽ do dị ứng độc tố vi khuẩn lao – xoắn khuẩn giang mai, viêm giác mạc dạng nốt do dị ứng liên cầu, viêm giác mạc sau nhiễm virut Herpes, thủy đậu, zona…
Viêm bên trong nhãn cầu: Tuy khó có dị nguyên nào lọt vào được nhưng chúng ta vẫn có thể gặp các bệnh lý dị ứng. Điển hình là trong một số bệnh cảnh, chất nhân của thể thủy tinh đã lọt ra ngoài bao của nó và lần đầu tiên tiếp xúc với môi trường bên trong nhãn cầu. Chất nhân thể thủy tinh với bản chất là một dị nguyên nội sinh có thể gây ra những bệnh cảnh nặng nề cho mắt như: viêm màng bồ đào dị ứng chất nhân, glaucoma do thể thủy tinh.
Các viêm nhiễm tại mắt có thể là một phần hoặc đi kèm với các bệnh dị ứng của các hệ cơ quan khác như dị ứng phấn hoa, viêm mũi xoang dị ứng, dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc, hen, chàm…
Lời khuyên của thầy thuốc
Điều trị viêm kết mạc dị ứng không chỉ dựa vào thuốc mà phải là giải pháp tổng thể, kiên trì, đôi khi tốn kém nữa.
Tránh tiếp xúc với dị nguyên; tìm hiểu về địa lý học xem vùng bạn sinh sống có những dị nguyên gì, nên ở trong nhà nhiều hơn vào mùa có nhiều dị nguyên; Năng xem thời tiết: mùa nhiều gió khiến dị nguyên gây bệnh mạnh hơn, mùa mưa làm trôi đi phấn hoa, bụi bẩn có thể làm bệnh dịu đi, đừng nên dậy sớm quá vì phấn hoa có độ đậm rất cao vào đầu ngày; Năng đeo kính bảo vệ mắt, vệ sinh cá nhân tốt, đừng day dụi mắt, thận trọng khi dùng hoá chất, mỹ phẩm; Làm sạch không khí, không lạm dụng kính tiếp xúc.
Thuốc giúp bạn sống thoải mái hơn với dị ứng chứ không giải quyết tận gốc vấn đề. Đa phần các bệnh nhân hài lòng với các thuốc kháng histamin và bền màng mastocyte. Kết hợp với nước mắt nhân tạo các loại, các sản phẩm bôi trơn bề mặt nhãn cầu luôn là sự lựa chọn đúng cho căn bệnh này, vừa điều trị dị ứng, vừa chống khô mắt.
Các sản phẩm có corticoid không nên dùng liên tục hay kéo dài. Thêm nữa, phải luôn thận trọng với các biến chứng của chúng như: glôcôm, đục thể thuỷ tinh. Rất ít bệnh nhân phải dùng thuốc đường toàn thân trừ phi họ bị kèm theo viêm mũi xoang hay hen suyễn.
Khi dùng mỹ phẩm trên mắt, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, nên xoa thử trên da cẳng tay để thử xem mình có dị ứng với loại mỹ phẩm đó không trước khi xoa lên mắt và mặt.
Khi thấy khó chịu tại mắt, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa, không tự tiện mua thuốc nhỏ.
Khi có dấu hiệu bị dị ứng mắt, người bệnh nên rửa mắt bằng nước lạnh, nước muối sinh lý hoặc nước mắt nhân tạo.
Chườm lạnh cũng là giải pháp tốt để giảm triệu chứng phù mi, giảm ngứa và kích thích do làm co mạch và ổn định màng tế bào có chức năng miễn dịch.
Cần tránh việc tự ý mua thuốc ở hiệu thuốc về nhỏ vì mắt khá nhạy cảm và quan trọng. Bên cạnh đó, các thuốc điều trị mắt cần tuân thủ nghiêm ngặt thời gian dùng và liều lượng thuốc, không thể tùy tiện lạm dụng gây nên một số biến chứng không đáng có cho đôi mắt.
Với những người dễ mắc bệnh dị ứng, cần tránh tiếp xúc với những dị nguyên, các chất kích thích được cho là có khả năng gây dị ứng mắt. Khi mắt có dị vật, nên nháy mắt liên tục trong ly nước sạch. Nếu cảm thấy vẫn còn dị vật, bạn nên đến ngay bệnh viện mắt chuyên khoa để kiểm tra.
BS. Nguyễn Văn Châu
Theo SK&ĐS
Bài thuốc trị đau mắt đỏ
Đông y gọi đau mắt đỏ là xích nhãn hay hỏa nhãn. Khi mắc phải, người bệnh thường có triệu chứng: mắt đỏ, sung huyết, chảy nước mắt, nhiều dử, mắt cộm, khó mở, sợ ánh sáng, có thể bị một mắt rồi lây sang mắt thứ hai hoặc đồng thời cả hai mắt đều bị, một số trường hợp thị lực suy giảm làm mắt mờ, khả năng nhìn kém.
Nguyên nhân sinh bệnh chủ yếu do kinh Can phong nhiệt gây nên, bệnh mang tính truyền nhiễm lây lan thành dịch rất nhanh trong gia đình và cộng đồng, ảnh hưởng tới sinh hoạt, học tập và công tác. Để ngăn chặn bệnh lây nhiễm, trước hết cần chú ý vệ sinh cá nhân sạch sẽ, hạn chế sự tiếp xúc với người bệnh. Xin giới thiệu một số bài thuốc đơn giản thường dùng có tác dụng thanh can sáng mắt, chữa chứng mắt đỏ, sưng đau, viêm kết mạc, chảy nước mắt như sau:
Bài 1: Chi tử 10g, cúc hoa 10g, cam thảo 4g. Sắc uống.
Bài 2: Tang diệp 12g, cúc hoa 12 g, thảo quyết minh 10g. Sắc uống.
Bài 3: Hạ khô thảo 12g, thảo quyết minh 10g, bồ công anh 12g.
Bài 4: Linh dương giác 2g, cúc hoa 12g, mạn kinh tử 12g. Sắc uống.
Bài 5: Cúc hoa 9g, lá dâu g, câu đằng 6g, liên kiều 9g, cát cánh 6g, cam thảo 3g, xa t.iền thảo 9g. Sắc uống.
Bài 6: Thảo quyết minh 16g, cúc hoa 12g, hoàng liên 8g, hạ khô thảo 16g, hoặc nga bất thực thảo (cỏ cóc mẩn) 15g. Sắc uống.
Bài 7: Bạch cúc hoa 6g, bạch tật lê 4g, khương hoạt 4g, mộc tặc 6g, thuyền thoái 4g, nghiền thành bột, uống với nước chè sau bữa ăn hoặc đem sắc uống.
Cúc hoa – vị thuốc trong các bài thuốc trị đau mắt đỏ.
Bài 8: Xa t.iền tử 18g, bạch tật lê, hoàng cầm, thảo quyết minh, long đởm thảo, cúc hoa mỗi thứ 18g . Tán thành bột, uống mỗi lần 9g, ngày 3 lần với nước cháo.
Bài 9: Thục địa 32g, sơn thù 16g, hoài sơn 16g, trạch tả 12g, mẫu đơn bì 12g, bạch phục linh 12g, cúc hoa 12g, câu kỳ tử 12g. (Kỷ cúc địa hoàng thang). Sắc uống.
Bài 10: Thạch quyết minh 12g, tang diệp 16g, câu kỳ tử 12g, sắc uống hoặc dùng Thạch quyết minh 24g nấu với gan dê hoặc gan lợn chia 2 lần ăn trong ngày.
Bài 11: Thanh tương tử (hạt cây mào gà trắng) 5g, quyết minh tử 10g, hoàng liên 2g, tần giao 2g, t.iền hồ 3g, đại hoàng 3g, thăng ma 3g, hoàng cầm 2g, chi tử nhân 5g, trần bì 3g, chỉ xác 3g, địa cốt bì 3g, huyền sâm 4g, xích thược 5g, linh dương giác 0,5g, xa t.iền tử 5g, cúc hoa 8g, cam thảo 5g. Tán thành bột, mỗi lần uống 8-10g, ngày 3 lần, sau bữa ăn.
Bài 12: Chữa đau mắt đỏ phù nề, mờ mắt: thảo quyết minh, cam cúc hoa, sơn chi tử, cốc tinh thảo, mạn kinh tử, mỗi vị 10g, xuyên khung, thuyền thoái, phòng phong, khương hoạt, cam thảo, hoàng cầm, mộc tặc, kinh giới, bạch tật lê, mật hồng hoa mỗi thứ 5g. Tán thành bột uống 3-6g/ lần, ngày 2 -3 lần.
Bài 13: Chữa nhức đầu, mắt đỏ, sưng đau: Thảo quyết minh 10g, mộc tặc 4g, thược dược 4g, Hoàng cầm 4g, khương hoạt 4g, cam thảo, mạn kinh tử, xuyên khung, mỗi thứ 4g, thạch quyết minh 10g, cúc hoa 8g. Tán thành bột uống mỗi lần 5g, ngày 2-3 lần.
Thuốc dùng ngoài
Bài 1: Tang diệp, cúc hoa, lá tre, bạc hà mỗi thứ 1 nắm, nấu nước xông, ngày 2 lần. Hoặc lá dâu đem giã nhỏ, vắt lấy nước cốt tẩm vào miếng gạc sạch, đắp lên mắt ngày 2 -3 lần sẽ làm tan sung huyết.
Bài 2: Lá diếp cá tươi (ngư tinh thảo) vừa uống trong vừa giã nhuyễn đắp ngoài, ngày dùng 50-100g, chia vài lần.
Bài 3: Chi tử diệp (lá dành dành) giã nát vắt lấy nước cốt, tẩm vào gạc sạch, đắp lên mắt, ngày 2-3 lần.
Bài 4: Hòe giáp (quả hòe), bạc hà mỗi thứ 5g, sắc kỹ, xông, sau đó uống, ngày 3 lần, sau bữa ăn, liên tục 2-3 ngày. Kết hợp dùng lá thơm tử tô, kinh giới, bạc hà, lá chanh thái nhỏ, chà nát, bọc vào gạc sạch, đắp lên mắt.
DS. Phạm Hinh
Theo suckhoedoisong