Hiện Việt Nam đã có 44 ca mắc Covid-19, hàng trăm người phải cách ly tập trung và hàng ngàn người đang được khuyến cáo tự cách ly tại nhà.
Vậy, người cách ly tại nhà nên được cách ly thế nào? Việc khử khuẩn, vệ sinh tại nhà ra sao?
Tối 12/3, Bộ Y tế đã chia sẻ thông tin về Hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn đối với những người phải cách ly y tế tại nhà phòng chống dịch bệnh Covid-19 do Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) xây dựng.
Vì sao phải cách ly tại nhà phòng Covid-19?
Bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 (gây bệnh Covid-19) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan nhanh từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.
Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh, vì vậy tổ chức cách ly y tế triệt để và tuân thủ các quy định về cách ly là một trong những biện pháp căn bản, quan trọng để phòng chống sự lây lan của bệnh Covid-19 trong cộng đồng.
Chỉ người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh Covid-19 mới phải cách ly tập trung. Ảnh minh họa
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cách ly y tế bao gồm cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tại cơ sở cách ly tập trung và cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Việc cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú được áp dụng đối với những người tiếp xúc với người có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân được xác định nhiễm vi rút SARS-CoV-2 (đối tượng F2), những người tiếp xúc gián tiếp (đối tượng F3, F4). Thời gian cách ly được quy định là 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm.
Cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú có thể được thực hiện tại bất kỳ nơi ở, nơi lưu trú nào như nhà riêng; căn hộ chung cư; nhà ở tập thể; phòng ký túc xá của trường học, khu công nghiệp, xí nghiệp; phòng nghỉ khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ và các phòng lưu trú của các cơ quan, đơn vị.
Việc tuân thủ các quy định cách ly tại nhà, nơi lưu trú, cũng như thực hiện tốt những yêu cầu về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân tại nơi cách ly không những giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh ra cộng đồng mà còn giữ an toàn cho những người thân trong gia đình và những người xung quanh.
Vệ sinh nơi ở của người cách ly tại nhà ra sao?
Điều trước tiên là cần phải lựa chọn địa điểm phù hợp tại nơi ở, nơi lưu trú để làm phòng cách ly. Tốt nhất là bố trí cho người được cách ly ở một phòng riêng, nên chọn phòng ở cuối dãy, cuối hướng gió, xa khu vực đông người qua lại.
Trong trường hợp cách ly tại nhà cũng cần bố trí phòng riêng cho người được cách ly, nếu không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2 mét và xa khu sinh hoạt chung.
Thường xuyên lau chùi nhà cửa bằng dung dịch khử khuẩn. Ảnh minh họa
Phòng cho người cách ly cần đảm bảo thông thoáng khí, hạn chế sử dụng điều hòa nhiệt độ và các đồ đạc vật dụng trong phòng, có nhà vệ sinh với đủ xà phòng rửa tay và nước sạch. Trong phòng đặt thùng đựng rác có nắp đậy và được đem đi đổ hàng ngày.
Phòng ở của người được cách ly và khu vực sinh hoạt chung tại nơi ở, nơi lưu trú cần phải được làm vệ sinh khử trùng hàng ngày. Có thể dùng các các chất tẩy rửa thông thường, các dung dịch khử khuẩn chứa 0,05% Clo hoạt tính (đảm bảo thời gian tiếp xúc trên bề mặt là 10 phút) hoặc 0,1% Clo hoạt tính (đảm bảo thời gian tiếp xúc trên bề mặt là 01 phút) hoặc có chứa ít nhất 60% cồn.
Dùng giẻ hoặc khăn lau bằng nước sạch trước, sau đó lau bằng chất tẩy rửa hoặc dung dịch khử khuẩn theo nguyên tắc lau từ chỗ sạch đến chỗ bẩn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Các bề mặt cần lau bao gồm: Nền nhà, tường, bàn ghế, các đồ vật tại khu vực công cộng (sảnh chờ, khu vui chơi, khu thể dục thể thao…), khu vệ sinh chung, cầu thang bộ, thang máy (nếu có). Đối với các khu vực này cần tiến hành lau khử trùng ít nhất 1 lần/ngày.
Tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, lan can; nút bấm, cabin thang máy: Cần được lau khử trùng ít nhất 2 lần/ngày.
Lưu ý người làm vệ sinh cần sử dụng găng tay, đeo khẩu trang khi thực hiện vệ sinh, khử khuẩn nhà cửa; tổ chức thu gom rác thải và xử lý hàng ngày.
Bên cạnh vệ sinh khử khuẩn và vệ sinh môi trường, người được cách ly cần ký cam kết thực hiện cách ly với chính quyền địa phương và chấp hành tốt việc tự cách ly tại nơi ở, nơi lưu trú đúng thời gian quy định. Hàng ngày người được cách ly tự đo thân nhiệt, tự theo dõi sức khỏe đồng thời ghi lại kết quả đo, tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khoẻ hàng ngày và thông báo cho nhân viên y tế xã, phường, thị trấn.
Người được cách ly cần phải hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với những người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác. Tuyệt đối không ra khỏi nơi ở, nơi lưu trú trong suốt thời gian cách ly.
Người được cách ly cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân sau đây:
Thường xuyên đeo khẩu trang. Thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng có nắp đậy và mang đi xử lý hàng ngày.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn chứa ít nhất 60% cồn. Không dùng chung các đồ dùng vật dụng cá nhân như bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đ.ánh răng, khăn mặt… với người khác. Không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi ở, nơi lưu trú.
Đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, vận động cơ thể, tập thể dục nhẹ nhàng tại chỗ. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức cộng đồng, thực hiện tốt các quy định cách ly, vệ sinh phòng dịch là góp phần chiến thắng giặc dịch Covid-19.
Theo danviet.vn
Tại sao các trường hợp nghi mắc F2, F3… có thể cách ly tại nhà?
Với những trường hợp cách ly tại nhà, nếu mắc Covid-19, nguy cơ lây nhiễm ra môi trường xung quanh là rất thấp nếu không có sự tiếp xúc gần.
Theo quy định của Bộ Y tế, các trường hợp mắc Covid-19 được coi là F0, những người tiếp xúc gần, tiếp xúc trực tiếp với người mắc được gọi là F1. Tiếp đến, những người có tiếp xúc gần với F1 gọi là F2, tiếp xúc gần với F2 là F3 và các trường hợp tiếp xúc gần khác là F4, F5,…
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, theo quy định của Bộ Y tế, khi đã tiếp xúc gần (trò chuyện, ăn uống chung,…) với những trường hợp F0, F1, F2, người dân mới cần lo ngại và phải báo ngay với cơ sở y tế gần nhất. Đối với các trường hợp tiếp xúc gần, trực tiếp với các ca mắc Covid-19 cần cách ly tại cơ sở y tế.
Lực lượng chức năng vẫn thường xuyên phun khử trùng bên trong và xung quanh khu vực cách ly.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, những trường hợp F1, F2, F3 có nguy cơ nhiễm bệnh như nhau và đều được khuyến cáo nên báo cho cơ sở y tế gần nhất để được thực hiện cách ly. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, F2, F3 có thể chủ động cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà. Khi đó, việc tự cách ly của các trường hợp F2, F3 phải được giám sát bởi y tế cơ sở để đảm bảo người tự cách ly không rời khỏi nơi cư trú.
“Mỗi ngày, nhân viên y tế sẽ đến đo sức khỏe 2 lần. Người dân sống trong khu vực bắt buộc phải hạn chế tiếp xúc với những người đang cách ly. Việc cách ly tại nhà và cách ly tập trung hiện đều đảm bảo an toàn cho những khu vực xung quanh”- ông Phu cho hay.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, với những trường hợp cách ly tại nhà, ngay cả khi mắc bệnh, nguy cơ lây nhiễm ra môi trường xung quanh là rất thấp nếu không có sự tiếp xúc gần. Do đó, người dân không cần lo lắng khi sống trong khu vực có các trường hợp F2, F3 đang tự cách ly.
“Trong trường hợp khu vực lưu trú có trường hợp phải cách ly tại nhà, người dân nên giữ thái độ bình tĩnh, chủ động phòng tránh dịch bệnh bằng các biện pháp cụ thể như sát khuẩn, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng,… Thay vì hoang mang, lo lắng không cần thiết, người dân hãy chủ động bảo vệ sức khỏe cho mình. Đó là biện pháp tốt nhất để phòng dịch”- PGS Trần Đắc Phu cho biết.
Theo ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng (Bộ Y tế), mỗi người dân khi tiếp xúc với các ca mắc Covid-19 hoặc đi về từ vùng dịch cần phải khai báo với các cơ quan chức năng để có các biện pháp cách ly, hạn chế lây lan dịch trong cộng đồng. “Chủ trương của phòng chống dịch bệnh là chủ động ngăn ngừa, phát hiện sớm, cách ly sớm, khoanh vùng và dập dịch. Khi 1 cá nhân mắc, chúng ta có thể dễ dàng kiểm soát nhưng khi nhiều người mắc, tốc độ lây lan nhanh, rộng sẽ khiến dịch bệnh càng ngày càng khó kiểm soát”- ông Nguyễn Đình Anh cho biết.
Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn chi tiết cho việc cách ly tại nhà. Theo đó, người được cách ly tốt nhất ở một phòng riêng. Trong trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng, giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2 m.
Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc, vật dụng trong phòng. Người cách ly hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú. Tự đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, ghi vào phiếu theo dõi do nhân viên y tế phát. Nếu có một trong các dấu hiệu sốt, ho, khó thở cần báo ngay cho nhân viên y tế./.
Theo VOV