Ba nhóm nguy cơ cao lây nhiễm nCoV

Bộ Y tế phân loại 3 nhóm nguy cơ cao tiếp xúc và lây nCoV là nhân viên y tế, người làm việc trong môi trường công cộng, người làm việc tại khu vực cửa khẩu.

Cán bộ y tế bao gồm nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch, xét nghiệm, điều trị hoặc ứng phó với các trường hợp khẩn cấp y tế liên quan đến những người bị nhiễm virus. Đây là một trong các nghề, công việc có nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm cao, được Bộ Y tế đề cập trong Hướng dẫn Phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc, ký túc xá của người lao động, ngày 10/3.

Nhóm thứ hai là người làm việc trong môi trường công cộng như nhân viên hàng không; thuyền viên, nhân viên đường sắt; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phục vụ mục đích công cộng. Người làm việc tại các khu dịch vụ (trung tâm thương mại, dịch vụ, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu du lịch, ngân hàng), nhân viên môi trường đô thị… cũng thuộc nhóm nguy cơ cao.

Nhóm 3 là cán bộ, nhân viên các lực lượng làm việc tại khu vực cửa khẩu. Nhóm này có hải quan, kiểm hóa, biên phòng; an ninh hàng không, kỹ thuật mặt đất; cảng vụ, hoa tiêu, đại lý hàng hải; kiểm dịch y tế biên giới, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật; đơn vị y tế tại cửa khẩu.

ba nhom nguy co cao lay nhiem ncov cb0 4755764

Nhân viên y tế thuộc nhóm người nguy cơ cao lây nhiễm nCoV. Ảnh: Hữu Khoa.

Bộ Y tế khuyến cáo những người có nguy cơ lây nhiễm cao cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên với xà phòng, che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi. Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh. Nghiêm cấm hành vi khạc, nhổ tại nơi làm việc.

Giữ ấm cơ thể, duy trì các thói quen tốt cho sức khỏe như tập thể dục, ăn chín, uống chín và đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay…

Người làm việc tại các vị trí phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng cần đeo khẩu trang đúng cách. Sử dụng găng tay phù hợp để giảm tiếp xúc không cần thiết. Nếu không sử dụng găng tay, phải rửa tay thường xuyên với xà phòng trong ít nhất 30 giây, dùng giấy lau tay sử dụng một lần để làm khô tay; hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn.

Sử dụng bộ quần áo phòng hộ (bao gồm cả khẩu trang, kính, mũ, găng tay) khi phải tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Hạn chế bắt tay, tiếp xúc với khách hàng trong khoảng cách dưới 2 m, nếu có thể. Không mua bán, tiếp xúc, chuyên chở các loại động vật hoang dã.

Tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc từ xa để giảm tiếp xúc trực tiếp.

Covid-19 là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A. Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh. Phòng bệnh chủ yếu dựa vào biện pháp vệ sinh cá nhân, phát hiện và cách ly sớm, giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ, phòng chống lây truyền tại cộng đồng và vệ sinh môi trường.

Tính đến tối 13/3, Việt Nam ghi nhận 47 ca nhiễm nCoV, trong đó 16 ca đã khỏi bệnh, 31 bệnh nhân mới trong vòng một tuần qua.

Theo vnexpress.net

Làm thế nào tránh lây nhiễm virus, vi khuẩn khi đi máy bay?

Một trong những “phương tiện” khiến dịch bệnh lây lan xa nhất là máy bay. Do đó, người dân cần học cách phòng tránh.

Có nhiều giả thuyết về dịch bệnh lây lan trên máy bay, nhưng nhiều người không nhận ra rằng đây là phương tiện khá an toàn. Không khí bên trong máy bay tuy được “tái chế” liên tục, nhưng vẫn khá sạch bởi chúng có hệ thống lọc rất hiệu quả. Thức ăn cũng không phải nguyên nhân, dù chúng có tệ đến đâu.

lam the nao tranh lay nhiem virus vi khuan khi di may bay fd9556

Nếu người ngồi cạnh trên máy bay liên tục ho, bạn nên cẩn thận vì có thể đó là biểu hiện của bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Getty.

Nguyên nhân chính khiến bệnh dịch có thể lây lan trên máy bay là do người mang bệnh lây trực tiếp cho những người ngồi gần, khi họ có thể tiếp xúc với nhau nhiều giờ. Bạn cũng có thể chạm tay vào cánh cửa của nhà vệ sinh, khay ăn dùng chung hay các chỗ nắm tay mà hàng nghìn người chạm vào.

Cách tự bảo vệ bản thân trên chuyến bay

Do nguyên nhân lây bệnh chủ yếu đến từ tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với người bệnh và không khí xung quanh người bệnh, cách tốt nhất là tránh tiếp xúc với nhiều người trên máy bay. Nếu không thể làm điều đó, ít nhất hãy biết tự bảo vệ mình.

Rửa tay kỹ và liên tục: Rửa tay là biện pháp phòng ngừa đầu tiên đối với các vi khuẩn như E.coli và Salmonella. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), rửa tay thường xuyên có thể giảm 21% nguy cơ lây nhiễm các bệnh hô hấp.

lam the nao tranh lay nhiem virus vi khuan khi di may bay 6fa60e

Rửa tay thường xuyên và đúng cách là một trong những cách đơn giản, hiệu quả nhất để tránh lây bệnh. Ảnh: Deseret News.

Đừng chạm tay vào mắt, mũi, miệng: Đừng quên rằng rất nhiều virus lây qua tiếp xúc trực tiếp từ bàn tay. Nếu tay đã tiếp xúc với các bề mặt có virus, bạn có thể tự truyền bệnh cho mình khi dùng tay chạm vào các vùng nhạy cảm như mắt, mũi và miệng. Hạn chế chạm tay vào mặt có thể giúp giảm nguy cơ lây bệnh.

Mang theo khăn ướt diệt khuẩn: Những chỗ để tay, tay nắm thang cuốn hay khay đựng thức ăn đều đã bị rất nhiều người chạm tay vào. Nếu có khăn ướt diệt khuẩn, bạn có thể lau sạch những bề mặt này trước khi sử dụng. Bạn cũng nên mang theo nước rửa tay khô diệt khuẩn cho những lúc không có vòi rửa.

Mang theo gối, chăn của mình: Trên những chuyến bay dài, hãng hàng không có thể phát gối, chăn. Tuy nhiên nếu lo ngại lây bệnh, sử dụng gối, chăn chung sẽ có nguy cơ. Tốt nhất là bạn nên mang gối, chăn của mình.

Ngủ ngon, ăn tốt trước chuyến bay: Hệ miễn dịch sẽ kém hiệu quả khi cơ thể bạn mệt mỏi. Hãy ngủ một giấc dài và ngon trước chuyến bay để đảm bảo cơ thể chống lại vi khuẩn hiệu quả. Tương tự, bạn cũng nên ăn những bữa đầy đủ dinh dưỡng, vitamin và uống đủ nước trước khi bay.

Một số mẹo khác để đảm bảo an toàn

Giữ điện thoại sạch sẽ: Bề mặt điện thoại có thể bẩn hơn cả toilet, và bạn thì chạm vào màn hình hàng nghìn lần mỗi ngày. Bạn có thể lau sạch màn hình và điện thoại bằng khăn điệt khuẩn, hoặc sử dụng các sản phẩm chuyên dụng như miếng lau có cồn để làm sạch máy.

lam the nao tranh lay nhiem virus vi khuan khi di may bay 337c47

Chọn chỗ ngồi cạnh cửa sổ giúp cho bạn tránh phải tiếp xúc nhiều với người ngồi bên cạnh, qua đó giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Ảnh: Getty.

Mở điều hòa trên đầu: Có luồng gió sẽ đảm bảo không khí không bị luẩn quẩn quanh bạn nếu có một người ngồi gần hắt hơi hay ho. Bạn nên mở điều hòa và hướng vào chân để đảm bảo không khí có chứa virus, vi khuẩn không hướng vào mặt.

Ngồi cạnh cửa sổ: Tránh tiếp xúc với người khác sẽ giảm nguy cơ lây bệnh, và vị trí tốt nhất để tránh tiếp xúc là cạnh cửa sổ. Nghiên cứu năm 2017 cho thấy chỗ ngồi cạnh cửa sổ là chỗ người ngồi ít tiếp xúc, nói chuyện với hành khách khác nhất.

Tự mang sách, đồ giải trí của mình: Tốt nhất là bạn đừng đụng vào tạp chí của máy bay, bởi chúng cũng bị nhiều người đụng vào không khác khay ăn. Bạn nên mang sách của mình, và nếu muốn dùng hệ thống giải trí trên máy bay thì hãy tự mang tai nghe theo.

Tự mang chai nước của mình: Nhiều sân bay có vòi nước, và bạn có thể mang theo chai nước để lấy ở vòi. Điều này vừa giúp bạn tránh phải tiếp xúc với các vòi nước, vừa giúp giảm thiểu rác thải nhựa.

Theo Zing

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *