Đó là khẳng định của PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế công cộng khẩn cấp (Bộ Y tế) trước những e ngại về việc cách ly người nghi nhiễm tại nhà.
Ông Phu cho biết theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cách ly y tế đối với những người trong diện nghi nhiễm Covid-19 bao gồm cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tại cơ sở cách ly tập trung và cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Nghiêm túc cách ly tại nhà
Theo quy định mới nhất của Bộ Y tế, việc cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú được áp dụng đối với: Người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định; Người thuộc đối tượng cách ly tập trung có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; và các đối tượng khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và tùy theo diễn biến cụ thể của dịch bệnh Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn.
Thời gian cách ly là 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm.
Cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú có thể được thực hiện tại bất kỳ nơi ở, nơi lưu trú nào như nhà riêng; căn hộ chung cư; nhà ở tập thể; phòng ký túc xá của trường học, khu công nghiệp, xí nghiệp; phòng nghỉ khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ và các phòng lưu trú của các cơ quan, đơn vị.
Ông Phu cho biết việc xác định đối tượng nào phải cách ly, cách ly ở mức độ nào đều đã được tính toán. “Nếu bạn được cách ly tại nhà là đã đỡ thiệt thòi hơn khi phải cách ly tập trung như không phải xa nhà, xa người thân… Những việc cần làm tại nhà đều đã được hướng dẫn cụ thể. Nếu làm đúng như hướng dẫn thì không thể có chuyện lây cho người khác”, PGS Phu khẳng định.
Việc cách ly tại nhà đòi hỏi ý thức cao của người được cách ly. Bên cạnh đó, cũng đòi hỏi sự giám sát, theo dõi của những người xung quanh.
“Người cách ly phải giữ gìn, tránh tiếp xúc người khác, không đi lại. Chẳng hạn, ở chung cư, mà người cách ly vẫn đi lại khắp nơi, khạc nhổ bừa bãi… thì vai trò, trách nhiệm của những người xung quanh, của chung cư, chính quyền cũng phải được thể hiện. Phải có ý kiến, đấu tranh với họ chứ không phải sợ mà bỏ qua. Nếu làm tốt, người cách ly tại nhà là an toàn, không lây cho người khác được”, PGS Phu phân tích.
Ông Phu cho biết việc xác định đối tượng nào phải cách ly, cách ly ở mức độ nào đều đã được tính toán. Ảnh: Phạm Thắng.
PGS nhận định tình hình dịch bệnh Covid-19 ở nước ta đang diễn biến phức tạp, việc ghi nhận thêm các ca mới là điều chắc chắn xảy ra. Ở giai đoạn đầu, Việt Nam chủ yếu chỉ đối phó với nguy cơ lây lan từ phí Trung Quốc, hiện nay, nguy cơ tăng ở rất nhiều quốc gia.
Do đó, người dân cần nghiêm túc chấp hành việc khai báo và cách ly khi có yêu cầu.
“Thời tiết nắng nóng hiện nay không có ý nghĩa với dịch bệnh, chúng ta không cần quan tâm. Bình Thuận đang nắng mà vẫn có hàng loạt ca mắc. Bản chất của virus SARS-CoV-2 là lây qua tiếp xúc gần và bàn tay khi tiếp xúc với các bề mặt. Do đó, cần đặc biệt chú ý cả việc vệ sinh các bề mặt, tay nắm cửa, thang máy, đồ dùng…”, ông Phu khuyến cáo.
Mỗi người dân cần nâng cao ý thức cộng đồng, thực hiện tốt các quy định cách ly, vệ sinh phòng dịch là góp phần chiến thắng giặc dịch Covid-19.
Cam kết khi cách ly tại nhà
Ngày 12/3, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 879/QĐ-BYT hướng dẫn Cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng chống dịch Covid-19. Người cách ly tại nhà/nơi lưu trú và gia đình phỉa có bản cam kết với chính quyền địa phương về việc thực hiện tốt biện pháp cách ly y tế, cụ thể:
– Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của Chính quyền địa phương và hướng dẫn của ngành y tế.
– Chấp hành việc tự cách ly tại nhà đúng thời gian quy định.
– Không ra khỏi nơi ở, nơi lưu trú trong suốt thời gian cách ly.
– Không tổ chức liên hoan ăn uống, hoạt động đông người tại nơi ở, nơi lưu trú.
– Các cá nhân trong hộ gia đình chấp hành nghiêm việc tự theo dõi sức khỏe, không giấu bệnh và thông báo ngay cho nhân viên y tế cấp xã và tổ dân phố khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt (nhiệt độ trên 37,5 độ C); ho; khó thở; sổ mũi, đau rát họng.
– Cá nhân và các thành viên trong hộ gia đình hàng ngày thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh: Đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; giữ nhà cửa thông thoáng, vệ sinh trong nhà như lau các đồ dùng vật dụng, bàn ghế, nền nhà, tay nắm cửa… bằng các chất khử trùng, chất rửa tẩy thông thường.
– Các thành viên trong gia đình động viên, chia sẻ, giúp đỡ nhau, yên tâm thực hiện việc cách ly trong suốt thời gian theo dõi.
Theo Zing
Tại sao các trường hợp nghi mắc F2, F3… có thể cách ly tại nhà?
Với những trường hợp cách ly tại nhà, nếu mắc Covid-19, nguy cơ lây nhiễm ra môi trường xung quanh là rất thấp nếu không có sự tiếp xúc gần.
Theo quy định của Bộ Y tế, các trường hợp mắc Covid-19 được coi là F0, những người tiếp xúc gần, tiếp xúc trực tiếp với người mắc được gọi là F1. Tiếp đến, những người có tiếp xúc gần với F1 gọi là F2, tiếp xúc gần với F2 là F3 và các trường hợp tiếp xúc gần khác là F4, F5,…
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, theo quy định của Bộ Y tế, khi đã tiếp xúc gần (trò chuyện, ăn uống chung,…) với những trường hợp F0, F1, F2, người dân mới cần lo ngại và phải báo ngay với cơ sở y tế gần nhất. Đối với các trường hợp tiếp xúc gần, trực tiếp với các ca mắc Covid-19 cần cách ly tại cơ sở y tế.
Lực lượng chức năng vẫn thường xuyên phun khử trùng bên trong và xung quanh khu vực cách ly.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, những trường hợp F1, F2, F3 có nguy cơ nhiễm bệnh như nhau và đều được khuyến cáo nên báo cho cơ sở y tế gần nhất để được thực hiện cách ly. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, F2, F3 có thể chủ động cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà. Khi đó, việc tự cách ly của các trường hợp F2, F3 phải được giám sát bởi y tế cơ sở để đảm bảo người tự cách ly không rời khỏi nơi cư trú.
“Mỗi ngày, nhân viên y tế sẽ đến đo sức khỏe 2 lần. Người dân sống trong khu vực bắt buộc phải hạn chế tiếp xúc với những người đang cách ly. Việc cách ly tại nhà và cách ly tập trung hiện đều đảm bảo an toàn cho những khu vực xung quanh”- ông Phu cho hay.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, với những trường hợp cách ly tại nhà, ngay cả khi mắc bệnh, nguy cơ lây nhiễm ra môi trường xung quanh là rất thấp nếu không có sự tiếp xúc gần. Do đó, người dân không cần lo lắng khi sống trong khu vực có các trường hợp F2, F3 đang tự cách ly.
“Trong trường hợp khu vực lưu trú có trường hợp phải cách ly tại nhà, người dân nên giữ thái độ bình tĩnh, chủ động phòng tránh dịch bệnh bằng các biện pháp cụ thể như sát khuẩn, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng,… Thay vì hoang mang, lo lắng không cần thiết, người dân hãy chủ động bảo vệ sức khỏe cho mình. Đó là biện pháp tốt nhất để phòng dịch”- PGS Trần Đắc Phu cho biết.
Theo ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng (Bộ Y tế), mỗi người dân khi tiếp xúc với các ca mắc Covid-19 hoặc đi về từ vùng dịch cần phải khai báo với các cơ quan chức năng để có các biện pháp cách ly, hạn chế lây lan dịch trong cộng đồng. “Chủ trương của phòng chống dịch bệnh là chủ động ngăn ngừa, phát hiện sớm, cách ly sớm, khoanh vùng và dập dịch. Khi 1 cá nhân mắc, chúng ta có thể dễ dàng kiểm soát nhưng khi nhiều người mắc, tốc độ lây lan nhanh, rộng sẽ khiến dịch bệnh càng ngày càng khó kiểm soát”- ông Nguyễn Đình Anh cho biết.
Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn chi tiết cho việc cách ly tại nhà. Theo đó, người được cách ly tốt nhất ở một phòng riêng. Trong trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng, giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2 m.
Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc, vật dụng trong phòng. Người cách ly hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú. Tự đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, ghi vào phiếu theo dõi do nhân viên y tế phát. Nếu có một trong các dấu hiệu sốt, ho, khó thở cần báo ngay cho nhân viên y tế./.
Theo VOV